Người ta cầu danh trục lợi, như muỗi hút máu, như ruồi bâu chỗ thối. Từ xưa tới nay biết bao nhiêu câu chuyện vui, chuyện buồn.
LTS: Nhà văn Mạc Ngôn có cái nhìn khá thú vị về thời thế, giàu - nghèo, hiện đại - lạc hậu… trong bài tiểu luận Chậm một chút, nhàn một chút - luận bàn về giàu nghèo. Nhân dịp tác giả đoạt giải Nobel văn chương 2012, Pháp Luật TP.HCM xin trích giới thiệu bản tiểu luận này.
Xã hội hiện tại của con người càng trở nên hỗn loạn, hoa đèn rực rỡ, nơi nơi ồn ào náo nhiệt, mới nhìn thấy tưởng chừng như vô cùng phức tạp nhưng thực tế chỉ cần chú ý một chút thì cũng chẳng qua chỉ là người nghèo thì đi tìm sự giàu có, người giàu có thì đi tìm những kích thích và sự hưởng lạc.
- Về cơ bản cũng chỉ có thế. Tư Mã Thiên đã từng nói rằng: Thiên hạ ồn ào đều vì lợi mà đến, thiên hạ náo nhiệt cũng vì lợi mà đi. Bậc thánh nhân Khổng Tử cũng từng nói rằng: Giàu và sang là cái lòng mong mỏi của người, nghèo và hèn là cái ghét của người vậy. Người nghèo thì nói rằng nghèo ở giữa phố ai thèm hỏi, giàu ở thâm sơn ối kẻ tìm. Bất luận là thánh nhân hay người thường, bất luận là tri thức hay kẻ mù chữ đều có một sự nhận thức rõ ràng đối với nghèo khó và giàu sang. Vì sao con người lại căm thù sự nghèo khó? Chính bởi vì sự nghèo khó không thể nào làm cho con người có thể thỏa mãn được dục vọng của bản thân mình. Bất kể đó là sự thỏa mãn về khát khao ăn uống hay là tình dục, bất luận là háo danh hay là yêu cái đẹp. Là việc đi bệnh viện không phải xếp hàng hay đi máy bay thì phải ngồi khoang hạng nhất đều phải dùng tiền bạc để thỏa mãn, dùng tiền bạc để thực hiện, đương nhiên nếu như sinh ra vào con nhà hoàng tộc hoặc là làm quan lớn, muốn thỏa mãn việc đó thì đại khái cũng có thể không cần tiền bạc. Phú là bởi nhiều tiền, quý là bởi xuất thân, gia đình và quyền lực. Đương nhiên có được tiền rồi thì cũng chẳng ngại gì chuyện không sang trọng, có quyền lực rồi thì cũng chẳng phải sợ thiếu tiền, chính bởi phú và quý là hai điều gắn liền với nhau không thể tách rời, có thể hợp lại thành một phạm trù.
Người nghèo thì ngưỡng mộ hoặc hy vọng mình có thể trở nên giàu có, đây cũng là lẽ thường, cũng là một dục vọng bình thường. Điều này Khổng Tử cũng chấp nhận nhưng Khổng tử nói rằng: Dẫu là những người hy vọng trở nên giàu sang thì cũng phải có những dục vọng chính đáng nhưng dùng phương pháp không chính đáng để thỏa mãn được dục vọng của mình thì không nên. Nghèo khó thì ai cũng căm thù nhưng dùng thủ đoạn không chính đáng để thoát nghèo thì cũng không nên làm. Cho tới hôm nay, những lời dạy bảo của bậc thánh nhân mà sớm đã trở thành những thường thức của người dân thế nhưng trong cuộc sống thực tế thì dùng những biện pháp không chính đáng để giàu có thì đâu cũng thấy, dùng những phương thức không chính đáng để thoát nghèo trở nên giàu có mà không phải chịu sự trừng phạt thì đâu cũng có, tuy nhiên chửi những người dùng những biện pháp xấu xa để trở nên giàu có thì đâu cũng có mà ai cũng làm, có điều nếu như khi bản thân mình có cơ hội thì người nào cũng vẫn hành động như thế. Vậy mới biết là lòng người quả thực khó đoán. Lòng người nay chẳng bằng xưa là thế đó.
Những bậc chính nhân quân tử phần nhiều không mộ tiền tài, chẳng ham phú quý. Như đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi, Quản Ninh thời Tam Quốc, Trang Tử câu cá trên bờ sông Bộc, Sở vương sai hai sứ thần tới mời ông ra làm quan, ông bèn nói với hai sứ thần rằng: Nước Sở có thần rùa, sau khi chết bị Sở vương lấy mai, dùng gấm lụa bọc lấy mà để ở nơi miếu đường, đối với thần rùa mà nói thì bị đem thờ cúng nơi miếu đường tốt hay là vẫy đuôi trong đám bùn lầy thì tốt đây? Sứ thần nói đương nhiên là quẫy đuôi trong đám bùn lầy để sống là điều tốt chứ. Câu chuyện ngụ ngôn này của Trang Tử hàm ý sâu sắc bao gồm cả việc nhường lợi để tránh họa đó.
Dẫu cổ nhân đã xây dựng cho chúng ta lòng thanh tâm quả dục, chịu an bần lạc đạo lấy làm tiêu chuẩn của đạo đức nhưng lại nhận được những hiệu quả rất nhỏ. Văn học là một hình thức nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống, đương nhiên sẽ đưa vấn đề này thành sự nghiên cứu và miêu tả những đề tài quan trọng. Những tác gia văn học cũng đa phần yêu tiền tài, theo đuổi danh vọng nhưng văn học thì lại phê phán người giàu, ca tụng người nghèo. Đương nhiên trong văn học phê phán người giàu có là giàu có thì bất nhân hoặc thông qua những thủ đoạn bất chính để mưu đoạt tiền tài, trong văn học ca tụng những người nghèo tuy nghèo nhưng không đánh mất nhân cách. Chúng ta chỉ cần nhớ lại một chút thì có thể nghĩ tới được rất nhiều những nhân vật điển hình trong văn học, tác gia xây dựng nên những tính cách của họ, ngoại trừ chuyện sống chết hay yêu ghét hận thù thì thường xuyên sử dụng các thủ đoạn, đó chính là lấy giàu sang trở thành những viên đá thử và một sự kiểm nghiệm đối với nhân vật, qua khỏi sự mê hoặc đương nhiên là những người quân tử, không thoát được sự mê hoặc đó chính là những kẻ tiểu nhân, là nô tài, là kẻ phản bội. Đương nhiên cũng có rất nhiều tác phẩm văn học làm cho nhân vật chính dựa trên tiền bạc để làm công cụ để báo thù, để rửa hận, đạt được mục đích của mình. Cũng có những tác phẩm văn học để cho nhân vật chính là người lương thiện có một kết cục đoàn viên và giàu sang, đây lại là một hình thức khẳng định giá trị của tiền bạc.
Dục vọng của con người là một hố đen không bao giờ có thể lấp đầy, người nghèo có dục vọng của người nghèo, người giàu có dục vọng của người giàu. Vợ của ông lão đánh cá lúc đầu chỉ muốn có một cái máng gỗ nhưng được máng gỗ rồi thì muốn có một căn phòng, có phòng rồi lại muốn trở thành một người giàu có, khi giàu có rồi lại muốn làm nữ hoàng, làm đến nữ hoàng rồi thì lại muốn trở thành nữ hoàng trên biển cả, bắt con cá luôn thỏa mãn dục vọng của mụ, trở thành kẻ hầu của mụ, lần này thì đã vượt quá giới hạn, tất cả như bong bóng chỉ cần một cơn gió thổi qua thì bị nổ tung lên. Mọi việc đều có giới hạn, chỉ cần vượt quá giới hạn đó ắt hẳn sẽ phải chịu những sự trừng phạt, đây chính là một triết học đơn giản, cũng là quy luật của rất nhiều sự vật trong tự nhiên.
Trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện khuyến thiện phạt ác nhắc nhở con người hạn chế dục vọng của bản thân mình. Có một người Ấn Độ làm lồng bắt khỉ thì để thức ăn vào trong. Khỉ thò tay vào để lấy thức ăn, chỉ cần nắm được thì không thể nào lấy tay ra được. Nếu muốn lấy được tay ra chỉ có thể bỏ lại thức ăn. Khỉ đã thò tay nắm được thức ăn thì không muốn bỏ ra. Muốn lấy được tay ra thì phải bỏ thức ăn nhưng khỉ không có con nào chịu từ bỏ. Khỉ không chấp nhận việc từ bỏ, còn con người thì sao? Có người có, có người không. Có người có lúc có, có lúc không. Có người có thể chống lại được cám dỗ của tiền bạc nhưng lại không thoát được ranh giới của quyền lực. Con người thế nào cũng có những thứ không từ bỏ được, đó chính là nhược điểm của con người, cũng là sự phong phú của con người.
Triết học Trung Quốc thực sự không thiếu những tư duy đó nhưng con người có bản tính tham lam hoặc có mặt trái của con người. Dựa vào những tư tưởng đạo đức có thể làm con người tỉnh táo hơn nhưng đều không giải quyết được vấn đề căn bản. Chính thế Phật giáo mới đề cao tư tưởng “Vạn sự đều là không, vạn vật đều chẳng có”. Muốn khống chế được tham vọng của con người, việc trực tiếp nhất đó chính là pháp luật, pháp luật như một chiếc lồng, dục vọng như con thú hoang. Những việc mà nhân loại đã làm hơn ngàn năm nay đó cũng chỉ là trận chiến giữa pháp luật, tôn giáo, đạo đức, văn học và sự tham lam, dục vọng. Dẫu rằng có những lúc dã thú thoát khỏi được gông cùm. Nhưng về cơ bản vẫn là sự cân bằng của cả hai bên. Người và người có một mối quan hệ giao hảo, ngăn chặn được dục vọng thì mới có thể ngăn chặn được sự tàn ác với nhau, nước và nước vẫn có mối quan hệ hòa bình, cũng chỉ có thể ngăn chặn dục vọng mới có thể thực hiện. Một con người đánh mất sự khống chế này thì trở thành kẻ ác, một quốc gia mất khống chế thì gây nên chiến tranh. Từ đó có thể thấy sự khống chế tham vọng của một quốc gia so với mỗi con người còn quan trọng hơn biết bao nhiêu.
Trong xã hội, trừ tiền bạc danh vọng và quyền thế còn có một cám dỗ lớn hơn, đó chính là sắc đẹp. Vấn đề này dường như không liên hệ tới nữ tính mà thực ra là có. Trên lịch sử từng nảy sinh ra nhiều cuộc chiến tranh, cũng bởi vì người đẹp mà đánh mất cả giang sơn. Các triều đại của Trung Quốc về cơ bản đều giữ một thái độ phủ định đối với tính dục nhưng bọn họ đa phần là khẩu thị tâm phi, dẫu trong thâm cung thê thiếp thành bầy nhưng lại ngăn chặn trong dân chúng. Không có gì phải nghi ngờ khi giàu nghèo và dục vọng vẫn là một vấn đề mâu thuẫn chủ yếu của thế giới, là nguồn gốc của niềm vui và nỗi buồn. Người Trung Quốc gần đây đã có những thay đổi một cách lớn lao, tự do cá nhân được mở rộng thế nhưng hạnh phúc của con người không nâng cao bao nhiêu. Do sự phân phối tiền bạc bất công, một số ít đã dùng các thủ đoạn để làm tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội. Sự hoang dâm xa xỉ, kiêu căng làm cho người dân thêm căm phẫn.
Lợi nhuận xui khiến. Con người điên cuồng lấy đi từ Trái đất. Trái đất của chúng ta có biết bao nhiêu lỗ ung nhọt, chúng ta làm ô nhiễm sông, biển, không khí, chúng ta bị bó buộc lại với nhau trong những kiến trúc cổ quái bằng xi măng và sắt thép, chúng ta gọi những nơi này là thành thị, chúng ta thỏa mãn những dục vọng của mình, chế tạo những thứ rác rưởi không bao giờ có thể tiêu hủy được. So với những người ở nông thôn, những người ở thành thị là người mang tội, so với người nghèo thì những người giàu là những người có tội, so với người dân thì quan lại là những kẻ có tội, từ một ý nghĩa nào đó, quan càng cao thì tội càng lớn, so với những quốc gia đang phát triển thì những quốc gia phát triển là những người có tội.
Chúng ta phải sử dụng những tác phẩm của mình để nói với những chính trị gia giả tạo, những lợi ích quốc gia không phải là những lợi ích tối thượng, lợi ích tối thượng đó phải là lợi ích lâu dài của toàn nhân loại. Chúng ta phải dùng những tác phẩm của chúng ta nói với những người có hàng ngàn cái quần, hàng ngàn đôi giày dép kia, họ chính là những kẻ có tội, chúng ta phải sử dụng những tác phẩm của chúng ta để nói với những kẻ đi xe hào nhoáng kia họ là những kẻ có tội. Chúng ta phải sử dụng chính tác phẩm của mình để nói với những kẻ trọc phú, những kẻ đầu cơ, những kẻ cướp đoạt, lừa đảo, tham quan ô lại. Chúng ta đều cùng ở một con thuyền, nếu như thuyền chìm, bất kể anh mang gì trên người, bất kể có bao nhiêu châu báu thì kết quả cũng là một mà thôi.
Chúng ta phải dùng tác phẩm văn học của mình để truyền đạt những đạo lý cơ bản rằng: Phòng ốc xây dựng chỉ để ở chứ không phải dùng để đầu cơ. Nếu như phòng ốc không được sử dụng thì chúng không còn là phòng ốc nữa. Chúng ta phải để con người còn nhớ tới, trước khi nhân loại phát minh ra máy điều hòa không khí thì số người chết vì nóng cũng không nhiều hơn hiện nay. Trước khi nhân loại phát minh ra đèn điện thì nhân loại cận thị ít hơn hiện nay. Thời gian của con người vẫn cứ đầy đủ. Có Internet thì đầu óc con người cũng không ghi nhớ được nhiều hơn những tin tức con người có thể lưu trữ. Trước khi có Internet, những kẻ ngốc dường như còn ít hơn bây giờ. Chúng ta phải thông qua tác phẩm văn học để cho mọi người biết rằng giao thông phát triển làm cho người ta đánh mất đi niềm vui du lịch, thông tin nhanh chóng làm cho con người đánh mất đi hạnh phúc của thông tin, thực phẩm thừa thải làm con người đánh mất đi mùi vị, sex trở nên đơn giản làm con người quên đi tình yêu. Chúng ta phải thông qua văn học để nói với mọi người rằng không cần thiết phải phát triển một cách nhanh chóng, không có tất yếu phải làm cho động vật và thực vật tăng trưởng một cách nhanh chóng bởi vì động vật và thực vật tăng trưởng nhanh chóng thì không có dinh dưỡng, sẽ bao hàm thuốc kích thích và các độc tố. Chúng ta phải thông qua tác phẩm văn học để nói với con người rằng dưới tác động của tư bản, tham dục, quyền lợi làm cho khoa học phát triển một cách què quặt, làm cho con người đánh mất đi rất nhiều những kích thích. Văn học cần nói cho con người ta rằng nhàn một chút, chậm một chút, có mười phần thông minh thì dùng năm phần, để năm phần còn lại cho con cháu!
Chúng ta phải dùng tác phẩm văn học để nói với con người duy trì sự sống cơ bản đối với con người là điều quan trọng nhất, những thứ còn lại đều là những thứ xa xỉ. Đương nhiên, quần áo, phòng ốc là những điều tất yếu. Chúng ta cần phải sử dụng văn học của chúng ta để nói rằng: Những ngày tháng tốt đẹp của con người đã không còn nhiều nữa, con người đang ở trong sa mạc thì mới thực sự hiểu được rằng nước và thực vật còn quý hơn vàng bạc châu báu rất nhiều, khi động đất hay sóng thần xuất hiện thì người ta mới hiểu rằng dẫu có xa hoa thế nào cũng chỉ là một đống bùn trong tự nhiên. Khi nhân loại biến Trái đất thành một nơi không còn thích hợp để cư trú nữa thì quốc gia, dân tộc, đảng phái, cổ phiếu đều không còn ý nghĩa. Đương nhiên văn học cũng chẳng còn là gì.
Văn học của chúng ta có thể ngăn chặn hay giảm bớt dục vọng của con người được không? Kết luận quả thực là bi quan, dẫu cho kết luận là bi quan thế nhưng chúng ta không được từ bỏ những nỗ lực của mình, chính bởi vì điều đó không chỉ là để cứu người khác mà còn chính là cứu bản thân mình.
Vài dòng tiểu sử Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.Từng phải nghỉ học tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn.Nhập ngũ năm 1976.Năm 1984, ông trúng truyển vào khoa văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân giải phóng và tốt nghiệp năm 1986.Năm 1987 chuyển sang lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.Năm 1981 bắt đầu công bố tác phẩm.
Kho tàng tác phẩm In 10 truyện dài 20 truyện vừa Hơn 60 truyện ngắn Năm tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút... Tổng cộng trên 200 tác phẩm.
Tác phẩm đầu tiên vào Việt Nam Năm 2000, tác phẩm đầu tiên của Mạc Ngôn được dịch sang tiếng Việt là Báu vật của đời. Hàng loạt tác phẩm như Đàn hương hình, Sống đọa thác đầy, Cây tỏi nổi giận… lần lượt đến với độc giả Việt Nam.
Tác phẩm dựng phim Cao lương đỏ từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.
MẠC NGÔN (Nhị Giang dịch)
0 comments:
Post a Comment