Từ khi còn rất nhỏ dường như chúng ta rất ít khi làm những việc mà người khác chưa làm. Chúng ta tìm kiếm sự an toàn trong những con đường quen thuộc, dù biết trước đó không phải là việc mà mình nên làm nhưng trước một tương lai được đảm bảo chắc chắn rất ít người từ bỏ những thứ không thuộc về mình để bắt đầu một hành trình mới.
Có người đã từng nói rằng: nếu biết trước con đường này nhàm chán đến vậy thì hồi trước đã không bước chân vào. Nhưng cuộc sống có mấy cơ hội cho chúng ta quay lại từ đầu và thời gian đi qua liệu có lấy lại được? Sự an toàn và vương vấn ở con đường cũ rất khó để chúng ta từ bỏ chúng. Nhiều người nhận ra được vấn đề nhưng lại không dám giải quyết nó, bởi họ lo sợ, làm những gì người khác chưa làm họ sẽ đánh mất tất cả. Nhưng có thử mới biết mình có làm được hay không, phải không bạn?
Làm để biết – sai rồi sửa
Ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, mấy ai trong số chúng ta dám hăng say phát biểu, dám nói lên ý kiến của mình mà không sợ người khác dị nghĩ hay chê bai dè bỉu nhỉ? Rất nhiều người, vì một ghen tỵ với một ai đó thường “ chọc ngoáy” những việc họ làm khiến cho người khác mất đi cảm giác tự tin, an toàn.
Nhiều người lại nhút nhát, không dám thực hiện những điều mình muốn để mặc những ước mơ chôn vùi theo năm tháng. Có người lại vì sợ hãi đánh mất những gì mình đã gây dựng được mà không dám từ bỏ để làm lại từ đầu. Nhưng những lối mòn quen thuộc có đem lại cho bạn hạnh phúc không? Đôi lúc chúng ta cần “ thay máu” cho cuộc sống của chính mình, để vượt ra khỏi những giới hạn nhỏ hẹp do chính chúng ta tạo nên.
Hãy cứ làm những gì bạn muốn, bởi chẳng ai biết trước được điều gì. Nếu không thành công ít nhất ta cũng có thêm kinh nghiệm cho lần thử kế tiếp. Như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ dám ngồi ngắm nghía những thứ mình thích có trong tay người khác hay sao? Nếu bạn muốn hãy làm để có được nó và nếu sai bạn có thể sửa chữa phải không? Vậy thì tại sao lại phải sợ hãi, tại sao lại nghĩ mình không thể?
Không phải ai cũng là thiên tài
Khi sinh ra chúng ta không phải ai cũng là thiên tài, những người tài giỏi họ là nhưng người luôn tìm tòi và không ngừng “ thử”! Có làm rồi mới biết mình có làm được hay không đó mới là điều mà chúng ta nên học hỏi. Đừng chỉ ngồi nhìn người khác làm rồi phán: cố mấy cũng vô ích mà thôi!
Những người thành công bạn nghĩ họ có bao nhiêu lần vấp phải thất bại? Bao nhiêu lần phạm phải sai lầm để rồi hái quả đắng cho những nỗ lực không ngừng? Nếu bạn nghĩ rằng, những người thành công chỉ cần làm việc là sẽ đạt được hiệu quả như ý muốn thì bạn sai rồi, có lúc họ cũng gặt không ít thất bại như chúng ta. Chỉ có điều họ không từ bỏ mà tiếp tục cố gắng cho đến lúc thành công mà thôi.
Người ta lớn không phải vì chiến thắng
Bạn nghĩ thất bại sẽ làm mất đi thời gian và cơ hội khác của bạn? Không đâu, sau thất bại là một bước trưởng thành dài, nếu bạn không học được gì sau mỗi lần vấp ngã thì mãi mãi bạn sẽ chỉ là một kẻ làm mẫu dù đúng hay sai. Hãy nhớ rằng, chỉ khi bạn biết rút kinh nghiệm cho mình sau mỗi lần vấp ngã thì bạn mới tiến bộ nhanh được. Người ta có thể dùng trí tưởng tượng để luyện tập cho mình một ý chí kiên cường hay học hỏi những kỹ thuật khó trong công việc vậy thì bạn hoàn toàn có thể rút được những bài học ý nghĩa dành cho mình.
Đừng bao giờ tự mãn bởi những gì bạn đã đạt được, bởi người ta lớn không phải vì chiến thắng mà lớn bởi nhân cách và trí tuệ của người đó. Nếu chỉ biết sống trong ảo tưởng một ngày nào đó bạn sẽ bị cuộc sống nhấn chìm trong thất bại và cô độc. Hãy biết ngắm nhìn cuộc sống xung quanh, hãy biết nhận ra những bài học cho riêng mình nếu thật sự bạn khao khát thành công!
Hãy làm những gì người khác chưa làm nếu đó là điều bạn thật sự mong muốn. Đừng chỉ chạy theo những lối mòn có sẵn bởi vì một lúc nào đó bạn cũng cần tạo dấu ấn cho riêng mình, phải không bạn?
0 comments:
Post a Comment