Nhiều người nghĩ rằng, cốc nước lạnh hay chai nước có gas giúp giải khát khi đi nắng về. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Thực tế, uống nước lạnh không thể giải khát mà còn gây viêm họng, tức thì tạo ra các cơn khát giả tạo, gây háo nước. Nhiều người còn có thói quen uống nước ngọt có gas vô tình đưa thêm một số chất không có lợi vào cơ thể.
BS Nguyễn Vũ, trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Vào mùa hè, mồ hôi thoát ra nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, lúc nào cũng có cảm giác khát. Vì thế, mọi người nên uống nước thường xuyên ngay cả khi chưa thấy khát. Khoa học đã chứng minh trong cùng điều kiện làm việc và lượng mồ hôi thoát ra tương đương, những người được uống nước đầy đủ, đúng cách sẽ khoẻ mạnh hơn, năng suất lao động cao và trạng thái mệt mỏi đến chậm hơn.
Đi ngoài nắng khiến mồ hôi thoát ra nhiều, gây cảm giác khát nước. Tuy nhiên, uống nước một hơi (kiểu tu ừng ực), đặc biệt là nước lạnh để thỏa mãn cơn khát một cách tức thì sẽ khiến tim đập nhanh hơn gây loạn nhịp, hơi thở ngắt quãng, ra mồ hôi lạnh, thậm chí dẫn đến viêm họng, gây kích thích không có lợi cho dạ dày. Đối với trẻ em, nước lạnh không những gây viêm họng, lạnh đột ngột còn ảnh hưởng đến răng, gây buốt răng, viêm lợi vì răng trẻ mọc chưa hoàn thiện, lợi còn yếu.
Vì thế, BS Vũ khuyên nên uống đủ nước, uống theo chu kỳ, tạo thói quen uống nước thường xuyên, cách 20 - 30 phút lại uống nước.
"Việc uống đủ nước không chỉ giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể mà còn giúp da săn khoẻ, không bị khô da. Nên dùng nước đun sôi để nguội, tránh lạm dụng các loại nước ngọt, nước có gas, sinh tố để giải khát. Uống nước một cách từ từ, mỗi lần chỉ nên uống một cốc nước khoảng 200ml", BS Vũ hướng dẫn.
Uống nước đun sôi để nguội
Theo GS.VS.TS Đái Duy Ban, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hóa sinh ứng dụng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhiều người lầm tưởng uống nước giải khát có gas sẽ giúp đánh tan cơn khát nhưng thực sự lại không phải thế, thậm chí còn làm mất nước và ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.
"Nước ngọt có gas thường chứa hàm lượng cafein nhất định. Chất này không những gây kích thích, nghiện hay tăng lực cho người uống mà còn là chất lợi tiểu. Vì thế, cơ thể của bạn rất dễ mất nước khi uống nhiều. Nước ngọt có gas chứa nhiều chất trong đó có siro fructoza (đường hoa quả), nếu uống hết một chai nước ngọt có gas vào mỗi ngày tức là bạn đã tăng thêm một lượng đường vào cơ thể và nguy cơ bị tiểu đường cao hơn", GS Ban cho biết.
Vì thế, theo các chuyên gia, thay vì uống các loại nước có chứa gas, chứa đường... thì nên uống nước đun sôi để nguội. Nếu có thói quen uống nước có vị thì có thể thay nước trắng đun sôi bằng các loại trà thảo dược thanh nhiệt như trà hoa cúc, trà xanh...
Vitamin C trong lá trà tươi nhiều gấp bốn lần nước cam, nước chanh, còn vitamin P trong trà xanh có tác dụng giảm thẩm thấu mao mạch làm tăng độ bền chắc của mạch máu, giữ cho mạch máu mềm mại. Nước rau má là loại nước giải khát tốt vì rau má chứa có nhiều đạm và vitamin, nhiệt lượng do rau má cung cấp cũng cao hơn nhiều rau khác
Nước ngọt có gas được làm từ các axit của hoa quả, axit này có vị chua kích thích người uống. Axit này cũng chứa axit uric. Với độ pH trung tính của cơ thể (dao động từ 6 - 7) axit uric sẽ đào thải ra ngoài tốt. Còn với những vị chua này axit uric sẽ không đào thải được mà kết tinh ở xương. Từ đó uống nhiều nước ngọt có gas sẽ bị đau xương, khớp, suy gan thận.
Nguồn Dinhduong
0 comments:
Post a Comment