Ngày nay, chính xác hơn là ngày xưa...chuyện cưới sớm chả lạ gì với mọi người. Nhưng ngày xưa khác, bây giờ khác. Khác chỗ nào? Xưa cưới nhau chán thì cưới thêm, bây giờ chán thì bỏ,...không khác gì thay áo. Vì sao?
Trong khi chung sống trước hôn nhân dễ bị xã hội chỉ trích thì đã có bạn ý thức hơn về cuộc sống của mình, đó là họ cưới nhau. Song ngày càng nhiều cặp tuổi teen cưới, do "chống cháy", do tình cảm dạt dào, do cả bốc đồng và nông nổi.
Đồng nghiệp tôi, con mới tốt nghiệp trung cấp được một tháng, vừa đưa thiếp mời vừa nhỏ nhẹ: "Nhà có con gái như chứa bom nổ chậm, không cho cưới mà chúng nó cứ thậm thụt, lén lút với nhau còn khổ nữa. Thà cưới về danh chính ngôn thuận, ít nhất cũng ràng buộc chúng vào với trách nhiệm gia đình".
Vậy là hỏi đến kế hoạch trong tương lai hầu hết đều chia ở "thì": sẽ, chắc là, với lại có thể, vì nguồn thu nhập tài chính hầu hết đều "nã" từ bố mẹ hai bên: "Bố mẹ em định cho vợ chồng em đi trăng mật ở… Bố hứa tặng em cái xe, mẹ sẽ cho em cái cửa hàng…".
Ngay từ khi son rỗi độc lập, tự chủ họ còn khó đảm đương được thì đến lúc lấy nhau, đâu chỉ đơn thuần là hai người, mà thấp thoáng trong đó rất nhiều mối quan hệ, đối nhân xử thế giữa hai bên gia đình, họ hàng, làng xóm.
Cậu ấm, cô chiêu sống trong vật chất sung túc, bố mẹ cưng chiều, bản thân còn không chịu chăm, nay lại được quàng cái "ách" gọi là "trách nhiệm" khi sức đang non bấy. Một quyết định vội vàng không có sự định hướng của cha mẹ sẽ xảy ra bao việc vặt nhưng cũng khiến khối người quẫn trí.
Yêu nhau rồi bỏ nhau chắc chắn sẽ tổn thương. Nhưng lấy nhau rồi ly hôn không chỉ làm cho trái tim tan vỡ mà kéo theo đó bao phiền muộn: Những đứa trẻ bơ vơ, các ông bố bà mẹ đã có tuổi những mong vui vầy bên con cháu thì nay lại tan đàn xẻ nghé. Hỏi làm sao họ không đau lòng cho được?
Bao mối lương duyên để rồi người trong cuộc chua xót thốt lên: "Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài/ Hay đâu giếng cạn em tiếc hoài sợi dây". Có những người bóng bẩy, hào hoa dùng vẻ hào nhoáng bên ngoài để mê hoặc, lung lạc tinh thần đối phương, để rồi mọi phán quyết khi ấy rất dễ nhầm lẫn giữa giá trị thực, ảo của ai kia.
Châm ngôn có câu: "Đừng chọn vợ và tấm vải dưới ánh nến". Mọi sự đều cần minh bạch và cần cả thời gian. Khi yêu nhau, sống trong giây phút chờ đợi cũng là kỉ niệm đáng nhớ, là quãng thời gian cần thiết để hai người có thêm điều kiện bộc lộ hết về mình, để hoà hợp, hiểu thêm về người kia, cùng nhìn về một hướng phấn đấu. Chưa kể những chú rể trẻ thường mắc "căn bệnh" ham vui cố hữu, có vợ mà vẫn đàn đúm với chúng bạn như thủa "chưa có gì".
Kết bạn với ai nên cân nhắc vì người ngoài có thể đánh giá được ta thông qua bạn bè. Nhận lời tỏ tình cũng phải nghĩ kỹ càng, tham khảo ý kiến người đi trước. Khi cảm thấy tình yêu đã chín, tiến tới hôn nhân càng cần đắn đo. Đời người con gái mười hai bến nước...
Đã bao năm, tôi vẫn nhớ bài giảng từ những ngày còn ngồi trên giảng đường. Cô giáo dạy Triết giải thích từ Tả Khuynh và Hữu khuynh, khi áp dụng vào ngay cuộc sống, tình yêu hôn nhân và gia đình vẫn còn nguyên giá trị.
Tả khuynh ví như sự nôn nóng, sốt ruột được đổi mới, được về chung một nhà, nước chưa đến điểm sôi đã bắt nó sôi, cố lập điểm nút, tạo nên bước nhảy vọt, thành ra dễ dẫn đến thiếu sáng suốt. Hữu khuynh thì ngược lại, nước đã đủ 100 độ C rồi những vẫn muốn nó"dừ" thêm chút nữa, để rồi đến lúc nước cạn nhe chẳng còn gì.
Tình yêu luôn cần một thời gian để tích lại, vừa đủ cả lượng lẫn chất hẵng tạo nên bước nhảy, đừng sốt sắng và càng không nên lừng khừng, cơ hội sẽ trôi qua.
"Tài không đợi tuổi", và có lẽ chín chắn cũng không đợi tuổi. Mức độ hiểu biết của mỗi người ở từng độ tuổi là khác nhau. Nhưng nếu cùng một thanh niên đó thì tôi dám chắc, tuổi hai mươi suy nghĩ sẽ thấu đáo hơn tuổi mười chín.
Tuổi trẻ thường non nớt, nếu tự quyết định những việc lớn cả đời quá chóng vánh hẳn sẽ khó thành công. Chi bằng chờ đợi một quãng, tích tụ về các mặt, tuổi đời, kinh tế, giao tiếp và cả sự hoàn thiện về nhân cách thì khi ấy ắt hạnh phúc sẽ viên mãn, tròn trịa.
Dù gì, đám cưới của những người trẻ vẫn nên được các bậc phụ huynh xem xét và đưa ra lời khuyên kịp lúc. Tránh trường hợp lấy nhau về mới ngã ngửa về những thói quen, tật xấu của nhau. Mẫu thuẫn mỗi ngày tích tụ chẳng chóng thì chầy sẽ tạo nên một lượng vừa đủ để hai người... bỏ nhau.
Theo DT
0 comments:
Post a Comment