Những ngành căn bản của thêu tay
Trong thêu tay của Việt Nam cũng như của Hà Nội có 4 nghành căn bản, mỗi ngành sẽ thêu những sản phẩm khác nhau để phục vụ nhiều nhu cầu của cuộc sống. Trước năm 1945 ở Hà Nội, nghề thêu tay chia thành từng vùng sản xuất mặt hàng chuyên môn truyền thống của địa phương với mẫu mã hoàn toàn khác nhau, chí đến kỹ thuật thực hiện riêng biệt và thị trường tiêu thụ phân bổ theo nhu cầu, không đặt nặng sách lược cạnh tranh. Các nguyên phụ liệu cung cấp cho các ngành thêu cũng khác biệt, từ đó phát sinh từng làng từng xã sản xuất nguyên phụ liệu để cung ứng trực tiếp đến từng vùng chuyên của mỗi ngành thêu, vì vậy mới có sự khác biệt của những làng nghề thêu tay dù đều trong mảnh đất Hà Thành. Về các công thức chế tác và trình độ nghiệp vụ cao thấp tùy theo ngành hay hệ của mặt hàng.
Ngành thứ nhất thuộc hàng thêu giao tế, tế tự là những câu đối, liễn trướng, hoành phi, y môn quần bàn, cờ đoàn thể... Dùng trong nghi, lễ treo trước bàn thờ tổ tiên, nhà thờ họ, đình chùa miếu vũ hoặc mừng thọ, nhà mới, thăng quan tiến chức và cũng để chia buồn điếu tang, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tâm linh... Về cờ, dành riêng các đoàn thể thanh thiếu niên, phụ nữ và thể thao, văn hóa.....Về ngành này phục vụ chủ yếu là các nhu cầu thuộc về tín ngưỡng. Ngành thứ hai thêu tranh trang trí trưng bày nội thất như tranh thêu danh lam thắng cảnh, tranh thêu các điển tích biểu tượng, tranh thêu chữ, thêu chân dung...
Hiện nay, ngành nay đang rất đắc dụng và phát triển. Nó mang lại nhiều công việc và thu nhập cao cho những người thợ thêu. Những sản phẩm thuộc ngành này chủ yếu để làm tranh trang trí. Với nhu cầu hiện nay thì nó còn trở thành những món quà dùng để tặng nhau. Đặc biệt đây còn là những kỉ vật mà những Việt kiều rất ưa thích. Theo khảo sát qua một số làng nghề thì những người Nhật trong gần chục năm trở lại đây đã thuê rất nhiều thợ Việt Nam để thêu lên những bộ trang phục kimono.
Ngành thứ ba là những hàng thuộc dòng thêu nhật dụng, ngành này chia thành 3 hệ làm ra sản phẩm khác nhau. Sản phẩm của những ngành này hiện nay chủ yếu dùng để chuyên xuất bán các nước Âu Mỹ, thường gọi là hàng thêu trắng - là sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống ngoại kiều theo kỹ thuật của Pháp được Việt hóa. 3 hệ này gồm:
- Hệ số 1: Thêu các khăn bàn ăn uống, áo ngủ, khăn phủ giường, tranh trần... Với loại hình này đòi hỏi kỹ thuật thêu khác biệt, bằng cách rút bớt sợi chỉ dệt trong tấm vải trắng và thêu thay vào các họa tiết cũng toàn bằng chỉ trắng và độn nổi.
- Hệ số 2: Thêu trên nền vải trắng hoặc bằng vải màu sáng nhạt, được thêu họa tiết bằng chỉ các màu hoặc chỉ một màu có nhiều sắc độ đậm nhạt và độn nổi.
- Hệ số 3: Có tên gọi là hàng thêu ren venise du nhập từ thời Pháp thuộc, sản xuất các sản phẩm nhỏ với tên gọi như: khăn trên và dưới đĩa tách trà hăn lót dưới lọ hoa, khăn túi hoặc các loại áo đan lưới dành cho phụ nữ mặc mùa hè.... bằng cách dùng que móc kết với sợi chỉ đan chéo vào nhau tạo thành sản phẩm.
Ngành thứ tư là sản xuất hàng thêu nội phủ phục vụ cho Hoàng gia nhà Nguyễn và quan chức cung đình, như: áo hoàng bào cửu long, áo đại trào cửu phụng dành cho hoàng hậu hay mẹ vua, và các phẩm phục triều đình và nội cung gồm bia hài, tàn tán, cờ phướn, cờ ngũ hành...Đây là ngành thêu rất lâu đời và gần như đã thất truyền gần hết các kỹ thuật cơ bản. Các nhà văn hóa nghiên cứu về nghề thêu hiện nay đang có rất nhiều công trình nhằm khôi phục những kỹ thuật thêu tay của ngành này nhưng vẫn chưa thể tìm ra những kỹ thuật gốc của thời xưa. Trong các làng nghề thêu tay cả ở Hà Nội cũng như trên toàn đất nước rất hiếm nơi sử dụng đến những kỹ thuật thuộc ngành này.
Những kỹ thuật căn bản
Cho dù ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ vùng miền nào của Tổ quốc và cả ở Hà Nội tuy mỗi nơi có những kỹ thuật khác nhau nhưng đều chung nhau những kỹ thuật căn bản của nghề. Với những người trong nghề thì những kỹ thuật này là nền tảng để họ có thể làm nghề và sang tạo ra những kỹ thuật tinh tế hơn. Chỉ cần biết được hết những kỹ thuật này thì sẽ trở thành một tay thêu thực thụ.
Trong kĩ thuật thêu tay, người thợ phải thông thạo 8 phương pháp căn bản từ dễ đến khó như sau:
1.Thêu nối đầu, có ba dạng khác nhau: Nối đầu uốn lượn, nối đầu đường thẳng và nối đầu cong vòng. Nguyên tắc cách thêu này là thêu mũi chỉ sau nối vào đầu mũi chỉ trước, cứ như thế lập lại nhiều lần tạo thành từng hàng thêu đầy nét vẽ. Mỗi mũi chỉ thêu dài không quá 5m/m, nếu gặp họa tiết cong hay uốn lượn buộc phải thêu ngắn mũi để đường thêu không bị gãy khúc. Thêu nối đầu dùng cho các chi tiết như thảm cỏ, lá tre, lá trúc hoặc từng mảng thêu lớn hơn.
2.Thêu chăng chặn: Đây là 2 động từ gồm chăng và chặn, dùng chỉ giăng ngang hay dọc một đoạn dài theo qui định sau đó dùng một sợi chỉ khác chặn lên để định vị sợi chăng bằng cách xuống kim ôm sát từng đoạn ngắn không xê dịch, đừng quá chặt làm gãy khúc sợi chỉ giăng. Ngoài cách thêu chăng chặn đường thẳng trên, còn có chăng chặn chéo chữ thập dùng cho mái ngói, nhụy hoa ... chăng chặn cong lúc thêu mây trời sóng nước.
3.Thêu lướt vặn: Còn có tên “thêu thụt lùi”. Cách thêu: Bắt đầu bằng mũi thêu dài chừng 5m/m, mũi thứ hai cắm sát vào nửa mũi thứ nhất và mũi thêu thứ ba cắm tiếp vào đuôi thứ nhất. Cách thêu đơn giản này dùng thêu nhánh cây, sống và cuống lá, nét chữ, các đường viền và họa tiết mây trời ... Thêu lướt vặn có nhiều lối khác nhau: Lướt vặn đường thẳng hay uốn lượn cong, trong trường hợp sau phải thêu mũi chỉ ngắn nhằm bảo đảm đường nét thêu mềm mại tự nhiên.
4.Thêu bó bạt: Cách thêu này giống thêu lướt vặn, tuy nét thêu to và rộng Cách thêu từ phải chếch qua trái, từ trên chúc xuống dưới. Thêu bó bạt cần phải giữ thật bằng chân chỉ theo nét vẽ, mũi chỉ đều sát và mặt chỉ láng bóng không bị răng cưa, có thể thêu 2 mặt chỉ. Có nhiều kiểu thêu bó bạt như bó bạt cành mềm, thẳng ngang hay bó bạt lượn cong tạo nên những đường viền lớn, những nét nhấn mạnh trong bố cục tranh.
5. Thêu đâm xô: Còn gọi là thêu trùm, thêu tràn. Cách thêu này có khả năng tạo nền cho các mảng màu lớn, phối hợp màu sắc trong tranh với sắc độ đậm nhạt và những khoảng sáng tối chiều sâu hợp lý. Các canh chỉ - đường thêu sợi chỉ của đâm xô giống như nét bút trong hội họa sơn dầu tô bóng đậm nhạt nổi hình khối canh chỉ phủ kín cùng chiều, mũi chỉ ngắn dài so le chen vào các khe giữa những sợi chỉ thêu trước, tạo thành mảng thêu lớn được chuyển màu và sắc độ đậm nhạt nhuần nhuyễn. Thêu đâm xô là môn thêu chính được thực hiện nhiều nhất trên một tấm tranh, có ít nhất 12 lối thêu đâm xô: thêu xô ngang, xô dọc, xô vát, xô tỏa, xô lượn, xô lượn xoay, xô lượn tỏa, xô tỉa lượn... Người thợ có thể linh hoạt thực hiện từng họa tiết riêng biệt như thêu đâm xô lá cỏ khác với đâm xô lá hồng và khó hơn là cách đâm xô trốn mũi chỉ, đâm xô ẩn mũi ... trong những lối thêu trên thì việc pha màu, chen màu, chồng màu - cách màu ... người thợ thêu chủ động ứng dụng góp phần sáng tạo hoặc thực hiện đúng yêu cầu khách đặt hàng hoặc bản mẫu qui định. Sự kết hợp hài hòa trên một mảng màu bằng nhiều lối đâm xô khác nhau sẽ tạo cho tranh thêu thêm nghệ thuật phản ánh tài năng, tính cách và trình độ tay nghề.
6.Thêu đột: Đây là kỹ thuật phối màu cùng một mũi chỉ, dùng 2 - 3 sợi màu chỉ khác nhau xoắn xe chung thành một sợi để thêu chèn hay đè lên một phần họa tiết đã thêu để điểm xuyết hay bổ sung thêm phần linh động. Thêu đột thường giấu mũi chỉ thật ngắn nhỏ, cách khoảng và giấu phần lớn mũi chỉ vào nền thêu, tạo thành từng hạt nhụy hoa những chi tiết ẩn hiện từ xa của một mũi đất, lùm cây, khóm lau ... Lối thêu này có nhiều dạng như đột ngang, đột dọc, đột tỏa, đột cong lượn, đột cong khum, đột xoay. Lối thêu đột để tu chỉnh lần cuối, kèm theo thêu lối bắt cầu tiếp cận và phủ kín những khiếm khuyết trong quá trình thêu, dằn lại những múi chỉ bị lỏng lộ nên vải ... Ngoài ra còn có thể thêu vờn và thêu tách để nhấn mạnh một số chi tiết tăng thêm độ sáng tối, gần xa.
7. Thêu sa hạt (thường gọi là thắt gút): Bằng một sợi chỉ, quấn nhiều vòng trước đầu mũi kim đâm thẳng đứng xuống nền vải và giữ cố định bằng cách lên kim tạo thành những hạt tròn nhỏ, cái khó là phải làm nút chỉ thật gọn tròn và đều nhau mười hạt như một. Dùng kết đính vào nhụy hoa nhỏ của hoa mai đào cúc huệ ... làm nổi bật trên những cánh hoa. Thêu sa hạt thường sử dụng thêu áo kimono của Nhật như trên thân chim, đôi cánh bướm ... có 2 cách sa hạt đơn và kép.
8.Thêu khoán vảy: Khoán vảy chìm và khoán vảy nổi dùng thể hiện lông và vảy của các loài ngư điểu. Trên những họa tiết như thân chim bồ câu, gà ... đã được thêu điểm xô pha màu dài mũi với sắc độ đậm nhạt thì phải khoán vảy chìm, riêng với các loài cá, rồng ... phù hợp bằng khoán vảy nổi. Đây là kỹ thuật rất khó đòi hỏi người làm nghề phải có một bàn tay điệu luyện và đường thêu phải thật sự tinh tế thì mới thêu được kỹ thuật này.
Với những người mới học thêu khi học kỹ thuật này thì đều được học hai bài thêu cơ bản là thêu độn nổi và thêu kim tuyến. Về thêu độn nổi là thêu vào những bức tranh thêu chân dung, trướng chữ và áo long bào ... thường có một số họa tiết được thêu nổi. Ở tranh chân dung cũng như thân và đầu rồng trên long bào được độn nổi gồ cao, các chữ đại tự cũng vậy. Có hai cách độn nổi: Dùng loại chỉ xấu hoặc vải vụn kết chằm lên nhau nhiều lần làm nổi gồ lên cao thấp tùy theo họa tiết, rồi thêu trùm lên bằng chỉ các màu tương ứng. Hai là xe xoắn nhiều sợi chỉ thành một sợi có đường kính lớn phù hợp từng đoạn họa tiết, có thể dùng giấy mỏng vê tròn kết chặt tạo thành những đường nổi, nhô cao trên nền vải, thêu đè lên đường sóng. Thêu kim tuyến: Tùy thuộc theo loại kim tuyến có đường kính to nhỏ để thực hiện cách thêu thích ứng. Nếu kim tuyến lớn sợi, thì cách thêu tương tự như thêu chăng chặn 2/7 ở trên, dùng thêu bao quanh và viền một số họa tiết làm đẹp sáng và che chắn những đoạn thêu không đạt yêu cầu.
Tác giả: Ngọc Cương – Sơn Bách
Nguồn: Vietimes.com.vn
0 comments:
Post a Comment