Nghĩ và viết là hai chuyện khác nhau. Điều đó khó. Nhưng nghĩ và sống, thực hiện những gì mình nghĩ lại càng nan giải hơn. Thế nên, dù bạn là ai, ở hoàn cảnh nào thì Ali luôn khuyến khích bạn: " Hãy dành thời gian làm những gì mình nghĩ".
Nếu bạn đã xem phần 1 - Nói với chính mình, Ali đã đưa ra 12 nguyên nhân để bạn độc thoại với bản thân, bạn có thể xem đó là bài test cho bản thân. Một lần nữa, Khoa học "bạn biết bạn" là môn học không thể bỏ qua được. Khi bạn thờ ơ, vô tình với chính mình thì cũng có nghĩa là bạn coi thường bản thân bạn.
Sau đây là phần còn lại của "Nói với chính mình".
13, Vẫn phải luôn tiến lên, mà bạn xét coi đà tiến của bạn bấy lâu nay có khôn ngoan không? Lưu ý nhất là coi nó có căn bản lương thiện không. Thành công của bạn phải xây trên nền đá có đóng cừ chớ không phải xây trên cát. Biết bao cuộc đời lên để rồi xuống vì cách lên của họ hèn hạ, bất chính.
14, Trong công vụ, bạn là cấp trên? Nếu vậy, bạn hãy xét lại coi cách lãnh đạo của mình có nắm được cấp dưới chăng? Có thể thể bạn rành khoa học lãnh đạo mà lại kém nghệ thuật lãnh đạo. Bạn hãy ráng tìm cho được nguyên nhân làm cho mình ra lệnh nhưng ít được tuân phục, làm cho mình thiếu những cộng sự viên, làm cho thượng cấp nghi kỵ, đồng nghiệp ganh tỵ, còn thuộc cấp bất tín, khinh thường.
15, Dùng người, bạn lựa chọn theo tiêu chuẩn nào? Có phải do người khác giới thiệu hay tại cùng đạo, cùng phe cùng miền xứ, cùng lớp học, cùng máu mủ, dòng họ,... Bạn có ỷ tiền bạc mà coi rẻ thiện chí hy sinh của người làm việc cho mình không? Đối với thuộc hạ khác phái bạn có bị ai dị nghị không?
16, Nếu còn trẻ tuổi, bạn có hay mắc những bệnh thôn thường của tuổi trẻ như "bồng bột","quá lố","cấp tiến" đến thành phản động hoặc muốn thành công vội mà không chịu khó?
Nếu đầu đã có hai thứ tóc, bạn có hay mắc những chứng bệnh "tự mãn, "tắt lửa thiêng", "chậm chạp", "lạc hậu" không?
Bạn hãy là một bàn tay được điều khiển bởi một bộ óc lão thành và một quả tim xuân tráng.
17, Ở đâu, thời nào mà đa số không bị thiểu số giật dây, điều khiển? Rừng thì cần nhiều cây chứ cây thì bao giờ cũng bắt đầu bằng những hạt giống nhỏ. Trong đời bạn có nỗ lực làm một trong những "hạt giống người" gây lợi ích cho bao kẻ khác không?
18, Bạn dồi dào đức hy sinh vì ích kỷ là một quái tật ai cũng lên án, nhưng để hy sinh lâu bền, bạn có biết lo cho bạn sống cuộc sống tương đối dễ chịu không? Bạn có quyền hưởng thụ những quyền lợi chính đáng kia mà. Có như vậy bạn mới tỏ ra tự trọng và ảnh hưởng của bạn dễ có hiệu năng hơn. Thiếu gì ông thiếu gì bà bạc đốt chết tôi với bạn mà nhìn họ ta thấy thảm hại quá. Họ làm việc như con trâu cày mà không biết cách nghỉ ngơi. Chẳng hiểu giữa họ và tiền ai là chủ. Bạn đừng thuộc hạng người đó nhé! Dĩ nhiên bạn cũng tự xét mình coi mình có giống kẻ tiêu pha nhiều mà sản xuất ít, làm con ve kêu sầu đói ran hơn là làm con kiến cần cù không?
19, Có khi nào bạn lúc "lên tinh thần" thì làm việc say mê, nhìn công việc nào của mình cũng như mùa hoa nở rồi khi "xuống tinh thần" bỏ xụi hết mọi việc, chết chìm trong buồn thảm và thấy tương lai mình đen tối như trời ba mươi không?
Bạn biết nhìn cái thành trong cái bại và biết chuyển bại thành thắng không?
Bạn có tin nguyên lý chỉ đạo của khoa học thành công là "góp gió thành bão" không?
20, Có khi nào bạn ngờ rằng biết bao kẻ thuộc thời đại nguyên tử, thuộc lớp tân học, hưởng thụ những cái tân kỳ, lúc nào cũng tưởng mình tân tiến mà trong cách làm việc còn quá hủ hậu không? Nếu biết phương pháp làm việc của mình kém tiến bộ, bạn có sẵn sàng cải tiến không?
21, Còn vô số vấn đề mà bạn có thể đặt ra để tự vấn, để xét lại toàn bộ sinh hoạt hằng ngày của bạn. Xét lại chi? Thưa bạn, để chuẩn bi lên đường công tác. Không ai muốn thành việc lớn mà không chuẩn bị cả.
Đức Thích Ca trước khi truyền đạo, ngồi 49 ngày dưới cội bồ đề. Chúa Giêsu truyền giáo 3 năm mà âm thầm chuẩn bị 30 năm.
Bạn là nhân viên, cán bộ của một ngành nào đó, bạn đã chuẩn bị cho sứ mệnh mình bao lâu? Đã chuẩn bị cái gì, cách nào?
./.HẾT./.
0 comments:
Post a Comment