Ở Việt Nam, cho đến nay, tập truyện tuyệt ngắn của Phan Nhật Chiêu vẫn là hiện tượng đặc biệt, không trùng lặp, độc đáo và độc đạo.
Sau khi đọc tập truyện ngắn Lời tiên tri của giọt sương của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Tiến sĩ văn học Lê Thị Thanh Tâm (giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) gửi đến VnExpress.net bài viết, chia sẻ một cách nhìn về tác phẩm hậu hiện đại này.
1. Tiên tri - mật ngữ văn học tâm linh
Nhà thơ vĩ đại xứ Li băng là Kahlil Gibran (1883 - 1931) được thế giới biết đến bởi chất giọng “tiên tri” hay “ngôn sứ” của ông.
Trong tác phẩm The Prophet (Nhà tiên tri), Gibran đã nói:
“Khi tình yêu vẫy gọi các bạn, hãy đi theo nó,
Dù lối nó đi trắc trở gập ghềnh
Khi đôi cánh tình yêu cuốn lấy các bạn, hãy qui thuận nó,
Dù trong lông cánh ấy giấu thanh gươm có thể làm các bạn bị thương.
Và khi tình yêu nói với các bạn, hãy tin vào nó,
Dù giọng nói của tình yêu có thể làm tan tác các giấc mộng như gió bấc tàn phá khu vườn”.
(Nguyễn Ước dịch) [1]
Những câu thơ sâu thẳm như những lời thiêng trên đây ta có thể tìm thấy trong các thánh thư như Kinh Thánh, Kinh Veda…
Tiên tri đồng nghĩa với Hiểu Biết con người và đời sống bằng Tình Yêu.
Tiên tri là dấu hiệu bảo mật của nền văn hóa tôn giáo nói chung.
Mô hình “tiên tri” trong sáng tạo thể hiện ở các khía cạnh: mang thơ ca vào triết học, mang tình yêu vào sự suy tư, mang đức tin vào đời sống. Jesus cùng các môn đệ của Người được xưng tụng là những nhà tiên tri. Nhiều bậc thánh, đại sư, những người hướng dẫn tâm linh từ cổ chí kim đều ít nhiều được ngợi ca là những nhà tiên tri. Từ tư chất tiên tri trong tôn giáo đến cảm hứng tiên tri trong sáng tạo văn học là một con đường dài, tinh tế và phức tạp.
Nhiều thiên tài văn học như Franz Kafka, Rabindranath Tagore, Kawabata Yasunari … đều là những đại diện tuyệt vời cho dòng văn chương giàu chất tâm linh; tác phẩm của họ bao chứa một cảm xúc hóa hiện kỳ diệu về sứ mệnh Ngôi Lời, bởi từ Lời (ngôn ngữ văn chương) mà nhiều thế giới ẩn mật trong tâm hồn con người được chiếu sáng và bày tỏ. “Tiên tri” gắn liền với cảm hứng về về cõi giới rộng rãi, về những tâm tình không hạn định, cảm hứng về sự hoạt hóa của niềm đam mê, bao dung cuộc sống.
Bìa cuốn "Lời tiên tri của giọt sương".
Tôi hình dung 'Lời tiên tri của giọt sương' được viết dưới những tâm tình như vậy.
Trong bài "Thế giới trong giọt sương" của Nhật Chiêu, Nhật Chiêu từng chia sẻ về ý tưởng sáng tạo hình tượng giọt sương: "Bản thân giọt sương là một hình ảnh nhiều ý nghĩa thường được nhắc đến trong văn học Đông cũng như Tây. Giọt sương là một chiếc gương con có thể phản ánh được thế giới. Giọt sương cũng đồng chất với những hiện tượng thuộc về nước và do đó sẽ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng khác nhau. Chẳng hạn, truyện Lời tiên tri của giọt sương có thể gợi đến băng giá, băng hà; có thể gợi đến cái mong manh nhất, vô thường nhất, những cảnh tượng bao la nhất, buốt giá nhất. Nó cũng có thể là một cái gì đó trong suốt, tinh khiết, trống rỗng nhưng cũng có thể là cánh cửa của cam lộ, hoan lạc, hạnh phúc". [2]
Lời diễn giải rất hấp dẫn, song, có lẽ tác giả đã quên thổ lộ (hoặc không muốn nói nhiều) về ý nghĩa của chữ “tiên tri”.
Phải nói một cách rõ ràng: “ tiên tri” trong cuốn truyện nhỏ nhắn này còn hơn cả một ý tưởng. Nó xuất hiện như một thứ "không gian viết" - không gian tiên tri. Tiên tri không nên được hiểu đơn giản như là sự biết trước. Liệu con người có thể tiên tri về những biến cố lịch sử, xã hội, bệnh tật, tai họa, danh vọng, cái chết…? Không. Đó là công việc “tiên đoán” (biết trước thuần túy), không thuộc về cảm thức tiên tri.
Tiên tri chỉ có thể là tiếng nói yếu tính đời sống, vang lên trong mọi chiều sâu của tâm linh; đó là sự đi trước vĩnh cửu của niềm tin chân thật và sự sống chân thật. Phải chăng, vì thế mà tiên tri (được chọn) là hạt nhân của không gian viết trong nhiều tác phẩm của Nhật Chiêu. Nó được chọn như một mối tình son sắt, định mệnh hơn là sự diễn trình kiến văn của tác giả.
Còn nhớ một bài thơ nhỏ của thiền sư Nhật Bản được Nhật Chiêu dịch đã lâu:
"Vào sâu núi đồi
Trái tim trăng sáng
Bỗng ánh lên ngời ngời
Ta ngỡ mình đại ngộ
Bốn bề là gương soi".
Nguyên lý bóng chiếu, soi chiếu, ảo chiếu từ lâu đã trở thành niềm tâm đắc lớn với Nhật Chiêu. Ông từng là tác giả của những cuốn sách và bài viết có nhan đề như sau: Nhật Bản trong chiếc gương soi, Ba nghìn thế giới thơm, Kawabata và Thẩm mỹ của chiếc gương soi, Cỗ xe trần thế và bầy ngựa siêu phàm... Tiên tri và soi chiếu, đó là thần thái không gian sáng tạo của Nhật Chiêu.
Điều rất đáng nói là ngay cả phẩm chất cao thượng của "ngôn sứ" cũng đã phần nào được tác giả "giải" bớt đi. Lời tiên tri của giọt sương xuất hiện không ít những sự hài hước thâm trầm, thay những phát biểu có màu sắc tâm linh tôn giáo bằng những câu chuyện trần thế nực cười. Nhiều triết lý thuần khiết bị "đục hóa" theo một nghĩa nào đó.
"KHI VƯỜN THÚ đầy những con Khủng long nhân bản thu nhỏ, người ta bắt đầu dạy chúng như thú cưng, biết chắp tay xin đậu phộng - có một con Khủng long nhỏ bé đã chết vì từ chối Xin Ăn như thế" (Đậu phộng)
"TRỞ LẠI TRẦN GIAN, hạc vàng nghe thấy người ta bây giờ nói với nhau bằng giọng két" (Trở lại)
"SAU KHI LOÀI DƠI THỐNG TRỊ VŨ TRỤ, có một bác học Người cố chứng minh rằng trong tương lai xa, người có hi vọng trở thành một giống loài gần giống như Dơi" (Dơi) [3]
Đã có màu sắc của ngụ ngôn hiện đại trong những câu chuyện tuyệt ngắn trên. Những loài giống như Khỉ, Hạc, Dơi ... không được tạo thành như các nhân vật lập nên các châm ngôn thế sự, sự khôn ngoan đối đãi và phê phán xã hội theo kiểu ngụ ngôn Edop, La Fontaine.
Con Khủng long bé nhỏ đã chết, hóa ra vì nó không thuộc về loài nhân bản, nó chết vì nó đích thực là Khủng long. Con hạc vàng năm xưa từng bay lộng lẫy trên lầu Đường thi một hôm trở về trần gian, và biết rằng nó đã mất tích từ lâu bởi giọng két vang rền khắp nơi. Nó đã bị kết liễu bằng vẻ đẹp trong quá khứ (nó đã "lỡ đẹp" và vẻ đẹp ấy không được phép trở về nữa!...). Những con dơi vốn bị xếp vào loài đen tối nhưng khi thống trị vũ trụ thì nó là mẫu mực của đời sống, đến nỗi con người cần phải trưởng thành... giống như dơi.
Kiểu phát triển "giật lùi" này có xa lạ gì với trăm ngàn câu chuyện đang xảy ra với con người trên khắp thế giới. Ngụ ngôn có lẽ là một trong những hình thức súc tích, tối giản nhất của cái nhìn hiện thực chủ nghĩa, chứa đựng cảm hứng rất sâu sắc về hiện thực. Chính vì nằm cheo leo giữa biểu tượng, tượng trưng và hiện thực mà sức sống của ngụ ngôn có sự khác biệt. Nó rất khó được phát biểu ra ở thời nay, nếu không tự tước bỏ đi những ẩn ý khuyên nhủ truyền thống và đội chiếc áo mới của một thứ cảm thán tỉnh táo. Những câu chuyện Nhật Chiêu kể xem chừng bị "đục đi" một cách có ý thức, đánh đổ nhiều giấc mơ về cái đẹp vĩnh hằng, nhưng nó vẫn ẩn khuất trong một vẻ đẹp gợi cảm khác - vẻ đẹp của sự đổ vỡ ảo giác...
Trong đêm giao lưu với tác giả nhân dịp xuất bản cuốn Lời tiên tri của giọt sương (được tổ chức vào cuối năm 2011, tại Nhà văn hóa Lao động, TP HCM), độc giả đến dự rất đông và khá đa dạng, từ giáo sư đại học đến người nội trợ, các em nhỏ. Tập truyện khổ 11 x 17,5 cm này có lẽ đã chứa đựng một khả năng chấn động nào đó đối với người tiếp nhận Sài Gòn. Với 109 truyện nằm ở các mục: truyện nhỏ, truyện lạ, truyện đêm, truyện đâu, truyện hư, truyện mê, truyện ai, truyện chơi, truyện thời, Nhật Chiêu đã tạo ra một "giống" truyện mới mẻ, kỳ lạ. Truyện của ông là gì ? Đó là một câu văn, một đoạn tập Kiều, một chữ, một bài thơ có cốt truyện, một công án thiền đã biến hóa, một chữ được đánh vần tạo nghĩa, một đoạn đối thoại... Cuộc trình diện phong phú ấy đã làm sửng sốt người đọc!
Viết bằng cảm hứng về một loại văn chương tiên tri (mô phỏng lối viết tiên tri và bộc lộ ít nhiều năng lượng tiên tri), và viết dưới ánh sáng soi chiếu của tinh hoa các nền văn hóa, như lời "tự thú" của nhà văn về quan niệm sáng tạo của mình - "Nhàn vân bất hệ Đông Tây ảnh" (câu thơ trong một bài thơ Đường) - Đám mây tự tại chẳng hề trói buộc bóng mình vào phía Đông hay phía Tây, Nhật Chiêu đã sáng tạo một gương mặt lạ cho truyện ngắn hiện đại mà các tầng tích tri thức khác nhau đã sống dậy bí ẩn trong vô số ẩn dụ, "hý phỏng".
Ở Việt Nam, cho đến giờ phút này, tập truyện tuyệt ngắn của ông vẫn là một hiện tượng đặc biệt, không trùng lặp, độc đáo và độc đạo.
Còn tiếp...
CHÚ THÍCH TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]: Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, NXB Giáo dục, 1997.
[2]: Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998.
[3]: Nhật Chiêu, Lời tiên tri của giọt sương, NXB Hội Nhà Văn, 2011.
Lê Thị Thanh Tâm từ Vnexpress
0 comments:
Post a Comment