Bất động tâm định
Bất động tâm định là tâm bất động trước các pháp, trước cảm thọ, chứ không phải la ngồi yên bất động. Đường lối tu tập của đạo Phật không phải diệt niệm thiện, niệm ác, mà phải xa lià lòng ham muốn và các ác pháp trong ta.
Phải sống và nuôi lớn thiện pháp, nghĩa là diệt tầm ác mà sống với tầm thiện ( ly dục, ly ác pháp), để đem lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho mình, cho người. Khi sống với tầm thiện thì tâm ta thanh tịnh, không có hoàn cảnh, đối tượng nào khiến tâm ta dao động; do đó gọi là tâm giải thoát, không còn khổ đau vì cuộc sống làm người.
Người sống được như vậy gọi là nhập Bất Động Tâm Định hay là nhập Vô Tướng Tâm Định. Nên nhớ tâm thanh tịnh (tâm như đất) là tâm thiền định của đạo Phật, chớ không phải tâm hết vọng tưởng (chẳng niệm thiện, niệm ác).
Tâm thanh tịnh là tâm có đủ đạo lực sai khiến (điều khiển) được sanh, già, bệnh, chết; tức là làm chủ nhân quả, hay còn gọi là làm chủ sống chết (muốn chết lúc nào cũng được, muốn sống lúc nào cũng được).
Đó mới gọi là sanh tử tự tại! (V/177) Tóm lại, muốn giải thoát thì phải nhập vào Bất Động Tâm Định. Nhờ đó mà dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu mới diệt sạch. Bất động tâm định là một tên khác của Sơ Thiền, ly dục, ly ác pháp.
VÔ TƯỚNG TÂM ĐỊNH
Vô tướng tâm định là gì?
Vô tướng tâm định là một tên khác của Bất Động tâm Định. Như trong bài kinh Tiểu Không đã dạy: “Khi nhập vào vô tướng tâm định thì dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu không còn, chỉ còn lục nhập duyên mạng mà thôi”. Vậy, lục nhập duyên mạng là gì? Lục nhập là lục căn và lục trần; mạng là thân mạng. Câu này có nghĩa là căn, trần tiếp xúc tác động vào thân mạng mà không sanh ra lậu hoặc.
Ở trong trạng thái này gọi là Vô Tướng Tâm Định. Ba lậu hoặc là gì? Ba lậu hoặc là tham, sân, si. Dục lậu ứng cho tâm tham, hữu lậu ứng cho tậm sân, và vô minh lậu ứng cho tâm si. Như vậy nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì tham, sân, si không có; cũng như nhập vào Bất Động Tâm Định thì tâm tham, sân, si cũng không có, tức là ba lậu hoặc không còn.
Như vậy Vô Tướng Tâm Định và Bất Động Tâm Định chỉ là một loại định mà hai tên khác nhau. Bất Động Tâm Định cũng là một tên khác của Sơ Thiền, vì Sơ Thiền phải ly dục, ly ác pháp. Mà đã ly dục, ly ác pháp thì tâm không còn tham, sân, si, tức là ba lậu hoặc cũng không có. Như vậy nhập Vô Tướng Tâm Định, hay nhập Bất Động Tâm Định là nhập Sơ Thiền.
0 comments:
Post a Comment