Linh mục Bernard T., nhà luân lý học nổi tiếng người Đức, đã kể lại rằng:
Kỷ niệm đẹp nhất về việc tông đồ trong đời tôi là lần giải tội đầu tiên.
Hôm đó, một người đàn ông đến xưng với cha về một thứ tội dường như không có trong danh mục của bản hướng dẫn xét mình. Người đó xưng thú rằng, mình đã không vâng phục vợ.
Lần đầu tiên nghe thứ tội lạ lùng như thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân: Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói rằng, người vợ phải phục tùng chồng, sao ông lại xưng thú rằng, ông đã không vâng phục vợ?
Người đàn ông giải thích: Thưa cha, con có tội, là bởi vì vợ con có lý mà con vẫn không chấp nhận điều đó.
Nghe thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân: Ông có chấp nhận việc đền tội bằng cách trở về nói với vợ ông rằng, bà ta có lý không?
1. Chấp nhận sự có lý của người vợ không phải chỉ là một việc làm đơn giản. Đó là đòi hỏi cốt yếu của một cái nhìn đúng đắn của người chồng đối với vợ mình. Cái nhìn đó là người vợ bình đẳng với chồng. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự bình đẳng mà thôi. Đó là điều mà thiết tưởng những người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày.
Để giúp hoàn chỉnh đời sống hôn nhân, một người chồng trẻ có lẽ nên xét mình bằng câu hỏi:
Tại sao tôi lập gia đình? Tại sao tôi cưới vợ?
Tôi cưới vợ, bởi vì tôi cần có một người nội trợ nấu nướng, chăm sóc cửa nhà.Tôi cưới vợ, bởi vì tôi có tiền, tôi muốn khuyếch trương công việc làm ăn của tôi.Tôi cưới vợ, bởi vì tôi muốn có một cuộc sống chừng mực, tôi muốn có những đứa con.Tôi cưới vợ, bởi vì đó là phong tục của xứ sở tôi, không ai làm khác hơn khi đến tuổi của tôi.
Nếu tôi lập gia đình vì một hay vì tất cả những lý do trên đây thì có lẽ người vợ chỉ còn là một phương tiện hay dụng cụ để tôi giải quyết những vấn đề của tôi mà thôi. Những vấn đề đó có thể thuộc lãnh vực tâm lý, sinh lý, hay xã hội. Nhưng dù nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào, người vợ cũng chỉ là một dụng cụ. Liệu trong một cái nhìn như thế về người vợ có thể có một tình yêu vợ chồng đích thực không?
2. Một quan niệm như thế về người vợ hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người chồng. Từ chỗ chọn vợ, kén vợ đến việc “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Thái độ này không khỏi hàm ẩn một cái nhìn “chồng chúa, vợ tôi” của nhiều người chúng ta. Người ta đi chọn vợ như chọn một món hàng. Người ta dạy vợ bởi vì vợ là một dụng cụ trong tay cần phải được nhuần nhuyễn mới thoả mãn được những mục đích mình đề ra.
Vì cái nhìn ấy, người chồng tự cho mình quyền dạy dỗ, răn bảo, khuyên nhủ, hăm đe, và nếu cần, sửa trị bằng những hành động vũ phu. Tại sao có nhiều người chồng thường hành hung vợ? Phải chăng vì họ cho rằng, người vợ trong tay họ như một dụng cụ cần được uốn nắn và sử dụng theo ý mình muốn.
Đành rằng, với sức mạnh của đôi tay, với sự vững chãi trong lý luận, người đàn ông phải đóng vai trò làm chủ, lèo lái trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người đàn ông đương nhiên làm chủ hay chiếm hữu người vợ như một dụng cụ.
3. Cuộc sống hôn nhân đích thực chỉ có thể xây dựng trên tình yêu. Nói đến tình yêu thì phải nói đến tôn trọng bình đẳng. Tại sao tôi cưới vợ? Câu trả lời đúng đắn phải là: vì tôi yêu thương, và tôi muốn sống hoàn toàn và trọn vẹn cho vợ tôi.
Yêu thương thiết yếu có nghĩa là muốn điều thiện hảo cho người mình yêu. Yêu thương là sống cho và hy sinh tất cả vì người mình yêu. Đó phải là tâm niệm của những người chồng trẻ. Một tâm niệm như thế sẽ khiến cho người chồng gạt bỏ được cái tư tưởng muốn chiếm đoạt và làm chủ vợ mình. Một tâm niệm như thế sẽ giúp họ chấp nhận những khác biệt hay cả những khuyết điểm nơi người vợ.
Mỗi con người là một huyền nhiệm. Điều đó vẫn tiếp tục có giá trị trong đời sống vợ chồng. Mãi mãi người vợ là một kho tàng vô tận để cho người chồng khám phá. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi dù cả một đời cũng sẽ quá ngắn ngủi để cho người chồng có thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Nơi người vợ, những bất toàn và những cái đẹp quyện vào nhau khắng khít đến độ người chồng phải đón nhận tất cả như một toàn thể.
Đón nhận người vợ với tất cả những khuyết điểm và đức tính của họ phải là thái độ cơ bản của một người chồng trưởng thành. Lắm khi trong đời sống vợ chồng, người chồng chỉ lưu ý đến những khuyết điểm mà quên đi những đức tính tốt của vợ mình.
Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại. Tỉnh thức để nhìn ra những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ. Quảng đại để có thể cảm thông và tha thứ cho những khuyết điểm của vợ. Đôi khi những khuyết điểm ấy cũng có thể là những đức tính tốt được thể hiện một cách lệch lạc. Chẳng hạn như tính hay ghen nơi người đàn bà.
Người ta vẫn nói một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng gia vị nào được dùng quá liều lượng cũng biến thức ăn ra mặn chát, chua cay. Một chút ghen tương của người vợ là biểu hiện của tình yêu và sự âu yếm mà người vợ dành cho chồng, nhưng khi ghen tương trở thành bệnh hoạn thì tình yêu chỉ còn là mật đắng.
Dẫu sao người chồng cũng nên hiểu rằng, tự nó, ghen tương là mặt trái của một tình yêu không được hướng dẫn. Hiểu được như thế, người chồng sẽ dễ dàng cảm thông với vợ. Đối với những khuyết điểm khác của vợ cũng thế. Nếu người chồng biết nhận ra đó là những tín hiệu của những đức tính tốt, ông sẽ dễ dàng chấp nhận con người của vợ mình hơn.
4. Bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng trẻ không nên nghĩ rằng, họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy của vợ mình. Tình yêu của họ phải được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đằng. Phải luôn ý thức, chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo người vợ theo như ý muốn của mình. Người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.
Với những đức tính cũng như khuyết điểm, người vợ là một thực thể độc nhất vô nhị, không giống ai. Người vợ là đối tượng của tìm hiểu, của cảm thông, của tha thứ. Chỉ trong cái nhìn và cách cư xử như thế, người vợ mới là người bạn đường cùng đồng hành trong yêu thương, chứ không là một dụng cụ.
Một tác giả đã nói: “Người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh của hoả ngục. Và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ”.
0 comments:
Post a Comment