Tác giả: Trần Vinh Dự Blog
Câu chuyện về “đồng xu nghìn tỷ USD” ở Mỹ đã trở nên ồn ào kể từ ngày 2 tháng 1, 2013. Ban đầu nó chỉ là một ý tưởng nghĩ ra cho vui, nhưng kể từ hôm 3 tháng 1 thì website chính thức của Tòa Bạch ốc đăng một kiến nghị kêu gọi mọi người ủng hộ giải pháp này và gây sức ép để buộc Tổng thống Barack Obama thực hiện.
Kể từ khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nhắc đến chuyện “đồng xu nghìn tỷ”, đương nhiên không phải dưới góc độ kêu gọi chính quyền Obama thực hiện, mà dưới góc độ tranh luận về tính thú vị của giải pháp nghe có vẻ rất hoang đường này.
Thủng trần nợ công
Nước Mỹ luôn luôn được nhắc đến như là một con nợ lớn nhất thế giới. Con số nợ công ở Mỹ đã liên tục tăng đều đặn trong những năm từ 2000 đến 2008 dưới thời của Tổng thống George W. Bush. Từ năm 2009 trở lại đây, dưới thời của Tổng thống Obama, do kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng và chính phủ Mỹ phải liên tục bơm tiền để cứu nền kinh tế, nợ công của Mỹ đã tăng vọt với tốc độ cao hơn nhiều so với thời kỳ của Tổng thống Bush.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là cơ quan quyền lực duy nhất có quyền vay mượn tiền trên danh nghĩa quốc gia. Trước năm 1917, Quốc hội phải chuẩn thuận tất cả và từng đợt phát hành công cụ nợ để vay tiền. Luật Second Liberty Bond Act được ban hành vào năm 1917 quy định một mức “trần” nợ công theo đó các công cụ nợ sẽ được phát hành để vay tiền cho nhà nước Mỹ. Các luật về nợ công (Public Debt Acts) ban hành năm 1939 và 1941 tiếp tục làm rõ hơn cơ chế này. Theo đó, cơ quan Ngân khố Mỹ (Treasury) được phép phát hành công cụ nợ cần thiết để lấy tiền cho các hoạt động chi tiêu của nhà nước (theo kế hoạch về ngân sách được phê duyệt) và tổng số nợ phải nhỏ hơn mức trần nợ công được Quốc hội cho phép.
Nhiều người thường nhầm lẫn khi cho rằng nhà nước Mỹ có thể in tiền để tài trợ chi tiêu. Trên thực tế, từ trước đến nay, nhà nước Mỹ chỉ được vay mượn để chi tiêu chứ không được in tiền để tài trợ chi tiêu. Vì thế, trong nhiều trường hợp, khi mức nợ công tăng lên cao và có nguy cơ “vượt trần” thì Quốc hội Mỹ lại phải nhóm họp để bàn về việc nâng trần nợ công. Nếu không đạt được thoả thuận nâng trần nợ công, cơ quan Ngân khố Mỹ sẽ không phát hành trái phiếu để vay tiền thêm được, và nhà nước Mỹ sẽ không có tiền để tài trợ chi tiêu và các cơ quan công quyền của Mỹ sẽ phải đóng cửa.
Đương nhiên là nước Mỹ không thể đóng cửa các hệ thống công quyền vì thiếu tiền chi tiêu, ít ra là trong dài hạn. Vì thế, trần nợ công liên tục được nâng lên mỗi khi nhà nước thiếu tiền và trần cũ bị “thủng”. Ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, trần nợ công cũng đã được nâng lên nhiều lần (xem hình).
Đồng xu nghìn tỷ
Mặc dù nói chung chính phủ Mỹ không được in tiền, nhưng lại có một ngoại lệ rất đặc biệt. Theo điều luật 31 USC § 5112 “Mệnh giá, quy chuẩn, và mẫu mã của tiền xu”, thì “Bộ trưởng có quyền phát hành tiền xu platinum theo các quy chuẩn, mẫu mã, chủng loại, số lượng, mệnh giá, và cách in khắc theo cách mà Bộ trưởng, tuỳ theo ý nguyện của Bộ trưởng, có thể chỉ thị tuỳ từng thời điểm.”
Theo Paul Krugman, ngoại lệ về việc cơ quan Ngân khố Mỹ có thể phát hành các đồng xu với bất kỳ mệnh giá nào mà cơ quan này muốn đương nhiên không nhằm tạo cho cơ quan này một công cụ tài chính đặc biệt, mà chỉ nhằm để nó có thể in các đồng xu kỷ niệm/tưởng nhớ các sự kiện đặc biệt.
Theo Krugman, ít ra những gì viết trong luật, theo nghĩa đen, cũng cho phép Ngân khố Mỹ phát hành một đồng xu đặc biệt, có mệnh giá 1 nghìn tỷ USD, rồi đem nó gửi ở Quỹ Dự trữ Liên bang, và lấy 1 nghìn tỷ “tiền lẻ” ở Quỹ Dự trữ Liên bang để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ Mỹ thay vì phải đi vay. Khi nào tình trạng ngân sách Mỹ tốt hơn, Ngân khố Mỹ có thể trả lại Quỹ Dự trữ Liên bang 1 nghìn tỷ “tiền lẻ” và thu hồi đồng xu đặc biệt này về và huỷ đi.
Krugman cho rằng “đồng xu này là một trò ảo thuật, tuy nhiên vì trần nợ công bản thân nó cũng là chuyện khá điên rồ. Trần nợ công cho phép Quốc hội ra lệnh cho Tổng thống phải chi tiêu nhưng lại cấm ông đi vay thêm để trang trải cho các khoản chi tiêu này. Do đó đây là một trường hợp thú vị để dùng bất cứ trò ảo thuật gì có trong tay”.
Có in hay không
Đây không phải là lần đầu tiên giải pháp “đồng xu nghìn tỷ” được nhắc tới. Từ hồi tháng 6 năm ngoái, Jack Balkin, một giáo sư luật của trường Đại học Luật Yale, đã đưa ra quan điểm này, sau đó tờ The Economist có đăng lại với lời bình phẩm rằng ý tưởng này “điên rồ tới mức nó có thể sẽ thực hiện được”.
Cho tới nay, mặc dù được bàn luận đến nhiều khi vấn đề nợ công ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng, giải pháp “đồng xu nghìn tỷ” vẫn chỉ được coi là một “giải pháp điên rồ” và không ai thực sự tin rằng đây là một giải pháp nghiêm túc. Tính đến sáng ngày 5 tháng 1 (giờ Washington DC), cũng chưa có tới 3500 người ký tên ủng hộ giải pháp này trong kiến nghị được đăng trên trang mạng của Tòa Bạch Ốc.
0 comments:
Post a Comment