Nếu bạn đã kết hôn, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy nhiều vấn đề trong các mối quan hệ. Nhưng điều làm bạn ngạc nhiên là rất dễ xử lý. Chỉ là “chuyện nhỏ”!
Mẹ chồng, nàng dâu
Nguyên nhân: Rắc rối thường xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu. Tại sao? Nhà nghiên cứu hôn nhân John Gottman nói đó là chuyện bình thường vì hai phụ nữ đang cạnh tranh về sự chú ý của một người đàn ông – chồng của vợ, con của mẹ. Vả lại, ông bà ta thường nói: “Khác máu, tanh lòng”.
Cách xử lý: Đoàn kết là điều quan trọng để thành công trong hôn nhân, cho nên vợ chồng phải chứng tỏ tình đoàn kết. Chồng phải đứng về phía vợ trong mọi xung đột – ngay cả khi vợ sai. Người mẹ hiểu rằng con trai mình trước là người chồng, sau là người con. Tất nhiên phải luôn khôn khéo và ôn hòa.
Tiền bạc
Nguyên nhân: Vợ chồng mới cưới chưa biết cân bằng chi tiêu, sự tự do và sức mạnh mà tiền bạc đem lại sự an toàn và tin tưởng lẫn nhau.
Cách xử lý: Hoạch định như một nhóm tài chính. Cùng thảo luận, thỏa thuận và quyết định các mục đích chung (nhà cửa, việc học hành của con cái, mua sắm, du lịch, đề phòng trường hợp bất ngờ,…) và thường xuyên xem lại. Nếu có thể thì mở tài khoản ngân hàng.
Việc nhà
Nguyên nhân: Người chồng “động tay, động chân” phụ làm việc nhà thì người vợ bớt một phần gánh nặng. Vấn đề ở chỗ “chênh lệch”, bất bình đẳng. Người vợ cảm thấy không được hỗ trợ khi người chồng không làm việc nhà. Đàn ông “ỷ” mình đi làm, về chỉ lo đọc báo hoặc xem ti-vi, thậm chí là “chén chú, chén anh”.
Cách xử lý: Hãy cho chồng biết tầm quan trọng khi làm việc nhà. Nghiên cứu của GS Gottman cho thấy khi người chồng chia sẻ việc nhà thì vợ chồng thỏa mãn chuyện chăn gối hơn. Việc nhà là những việc “không tên” nhưng lại cần thiết, thấy dễ mà không dễ. Công việc của ai cũng có vị thế riêng. Việc nhà là việc chung, cùng chia sẻ là yêu thương nhau.
Con cái
Nguyên nhân: Phụ nữ phải chăm sóc con cái, điều đó khiến 70% phụ nữ ít thỏa mãn hôn nhân sau khi có con.
Cách xử lý: Hãy thực tế, vì bạn không còn tự do như trước mà có bổn phận làm vợ, làm mẹ, và làm con nữa. Hai người đều có “gông đeo cổ”, không thể theo ý riêng. Vợ chồng cần chia sẻ trách nhiệm, tình cảm, quan ngại, vui buồn của đời sống lứa đôi để hỗ trợ nhau.
Tình dục
Nguyên nhân: Ba tháng sau tuần trăng mật, người ta nói vui là… “giập mật”. Lúc này bạn nhận ra rằng sự ham muốn nhau không còn như bạn tưởng. Vì tình dục là điều khó nói, đôi khi có thể là “làm phiền nhau”, không thỏa mãn và xảy ra xung đột… “vô cớ”.
Cách xử lý: Hãy tìm hiểu sách báo để hiểu kỹ thuật “khúc dạo đầu”. Nó giúp bạn cởi mở và chân thật về cảm xúc và ước muốn mà không lúng túng hoặc tổn thương. Hãy thường xuyên đối thoại chân thành và cởi mở về nhu cầu tình cảm và tình dục để hiểu nhau hơn. Tình yêu hôn nhân vừa CHO vừa NHẬN.
0 comments:
Post a Comment