Lúc nhỏ tôi thường giúp mẹ tôi nhóm lửa, để tránh khói đen tràn khắp nhà, tôi thường bưng bếp lò ra góc sân. Sau đó kiếm ít báo cũ đặt ở đáy lò rồi xếp vào một ít củi, cuối cùng đặt than lên trên.
Khi châm lửa cần bắt đầu từ giấy báo cũ dễ cháy nhất, từ lỗ thông hơi rất nhỏ dưới lò. Trước tiên tôi lấy một miếng giấy nhỏ, sau đó châm lửa rồi đưa vào trong lò.
Giấy báo cũ thường rất mau bắt lửa, bốc lên khói đen nồng nặc và ngọn lửa phừng phừng, tuy khói gây sặc sụa nhưng tôi cần nắm chắc thời gian, thổi gió vào trong lò với tốc độ không nhanh không chậm khiến ngọn lửa đốt cháy củi, rồi nung đốt sang than và công sức nhóm lửa thật sự chính là vào lúc này.
Cần phối hợp sự thay đổi lửa lò, đưa không khí vào bên trong, khi nhìn thấy sức lửa không đủ thì phải dùng lực lớn hơn, khi ngọn lửa không ổn định thì phải dùng lực nhỏ hơn.
Lúc đó cho dù khói lò khiến tôi chảy nước mắt, hơi nóng khiến hai má tôi đỏ bừng tôi cũng phải chịu đựng để làm tốt việc thổi gió.
Dần dần than bắt đầu đỏ lên, khói đen dần dần giảm bớt, tới đây việc nhóm lửa xem như thành công, tôi có thể bưng bếp lò trở lại phòng bếp.
Tuy bây giờ tôi đã trưởng thành và nhờ sự tiến bộ của khoa học tôi không còn phải mất sức để nhóm lửa, nhưng tôi vẫn nhóm lửa, nhóm lên một loại lửa khác.
Mỗi khi tôi có kế hoạch gì mới, tôi thường lánh vào một nơi kín đáo suy nghĩ kỹ lưỡng, sắp đặt trình tự công việc, sau đó đi đây đó khắp nơi để thực hiện kế hoạch.
Từ kinh nghiệm nhóm lửa lúc nhỏ tôi biết rằng: Ngọn lửa phừng phừng lúc đầu chưa hẳn chứng tỏ việc nhóm lửa đã thành công.
Tôi càng biết rằng: Khi khói đen càng tràn khắp nơi, thì càng không thể trốn tránh mà càng phải kiên trì tới cùng.
Sau đó, khi trãi qua thử thách, đạt tới thành công tôi luôn mang ngọn lửa của niềm vui không có khói đen này đến trước mẹ tôi rồi nói: "Mẹ nhìn xem! Con lại nhóm xong một bếp lửa đỏ hồng đây".
0 comments:
Post a Comment